Nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh hàng đầu
Trong thời chiến, chúng ta có khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nông thôn là hậu phương lớn của cả nước. Bây giờ, nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn là điểm tựa, là “trụ đỡ” cho nền kinh tế mỗi khi đất nước rơi vào tình cảnh khó khăn.
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản, lâm sản đã góp mặt trong danh mục hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của quốc gia như tôm, cá tra, lúa gạo, thanh long, gỗ…
Chúng ta cũng sở hữu những nông sản có chất lượng hàng đầu thế giới, điển hình như gạo ST25 - hội tụ “tinh hoa” của các loại gạo thơm. Chúng ta cũng sở hữu những nông sản, nhất là sản phẩm thủy sản có sức cạnh tranh hàng đầu, bởi vậy nhiều quốc gia đã phải tăng cường áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại để kìm hãm lợi thế của Việt Nam.
Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của gạo ngon nhất thế giới ST25.
Chúng ta cũng đã hình thành những doanh nghiệp nông nghiệp lớn, các chuỗi cung ứng nông sản kết nối bà con nông dân với người tiêu dùng trong nước và thị trường toàn cầu.
Nông sản, thực phẩm vẫn là những mặt hàng thiết yếu cho đời sống hàng ngày của không chỉ người Việt Nam mà của toàn cầu. Bởi thế giới đang đứng trước những nỗi lo do tác động của biến đổi khí hậu, nạn đói vẫn xảy ra và nguy cơ mất lương thực luôn hiện hữu. Đây là cơ hội vô tận cho người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Nhiều sản phẩm nông sản chủ yếu là gia công. Bởi vậy, cần phát triển một chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… chất lượng cao để phục vụ nông nghiệp. Đây là yêu cầu quan trọng và cấp thiết. Công nghiệp, dịch vụ cũng phải hỗ trợ, hậu thuẫn cho ngành nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng cao hơn cho người nông dân.
Ngành nông nghiệp muốn phát triển, cất cánh thì phải có sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Chỉ khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và trở thành trung tâm liên kết với các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã thì mới hình thành các chuỗi liên kết quy mô lớn.
Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp xưa nay vẫn như vậy. Khi Nhà nước muốn hô hào bà con trồng cây gì, nuôi con gì đều rất khó nếu Nhà nước đứng ra tổ chức. Nhưng khi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào, thì lập tức tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ. Bản thân nhà nước không tự làm việc này thay cho doanh nghiệp được, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp trung tâm.
Phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp
Tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải củng cố quan hệ đối tác 3 bên, quan hệ đối tác công - tư, từ đó phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp, vai trò hỗ trợ của Nhà nước và vai trò của chủ thể - đó chính là người nông dân.
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một vấn đề thời sự rất lớn. Đó là người lao động ở các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế lớn, nhất là từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam ồ ạt về quê. Có thể nói, đây là một hành trình hồi hương lớn nhất trong những năm vừa rồi.
Nó tạo ra một sự đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động cho khu vực công nghiệp phía Nam, nhưng cũng tạo ra một cơ hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho phát triển các ngành công nghiệp ở chính địa bàn nông thôn.
Dây chuyền chế biến, đóng gói gạo ST25.
Chúng ta ngộ ra một yêu cầu bức thiết, đó là tái cấu trúc lại nền kinh tế. Chúng ta không phải tập trung quá nhiều, không hình thành các trung tâm công nghiệp lớn. Chúng ta cũng không hướng tới hình thành các siêu đô thị tập trung đông người. Vì tất cả những cái đó tạo ra rất nhiều bất ổn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp và cả những tai họa khác.
Bằng chứng là thời quan qua, nhiều khu công nghiệp tại các thành phố đã không phản ứng được những biến động bất ngờ như dịch bệnh Covid-19. Do đó, hiện nay chúng ta cần kiến tạo không gian phát triển kinh tế theo kiểu các đô thị vệ tinh, hình thành các đô thị, khu công nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực nông thôn, gắn chặt với người nông dân và lao động nông thôn.
Công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sẽ gắn chặt với nhau, hòa quyện vào nhau, bổ trợ cho nhau để các thế hệ lao động có thể ly nông nhưng bất ly hương trên địa bàn của mình. Đó là mô hình rất thích hợp, tạo cơ hội phát triển nông nghiệp.
Cần có hệ chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Để phát triển nông nghiệp, trước tiên, Nhà nước cần có hệ chính sách thúc đẩy cho đổi mới sáng tạo; hệ chính sách hỗ trợ giảm thiểu rủi ro cho đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là trong những lĩnh vực có thể sáng tạo ra những công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp như: công nghệ sinh học, công nghệ nuôi - trồng đến công nghệ chế biến,… để tạo ra sự đột phá. Cái đó chúng ta đang làm và vẫn phải tiếp tục làm.
Muốn làm được điều đó, cần khuyến khích hình thành các quỹ bình ổn, quỹ phòng ngừa rủi ro, bảo hiểm nông nghiệp, chính sách tài khóa, thuế, ưu đãi tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp…
Thứ hai, chuyển đổi số là hướng đi để nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Chúng ta không nên phức tạp hóa khái niệm về chuyển đổi số. Cần có những bước đi và phát triển phù hợp với trình độ và khả năng tiếp cận của bà con nông dân.
Ví dụ, một anh trồng cà phê ở Đăk Lăk hay một anh trồng rau ở Đà Lạt (Lâm Đồng) hoàn toàn có thể kết nối với thị trường trong nước, kết nối với thị trường quốc tế để cung ứng hàng hóa của mình thông qua thương mại điện tử. Người tiêu dùng cũng hoàn toàn có thể quan sát được toàn bộ quy trình tạo ra sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chất lượng sản phẩm thông qua các công cụ công nghệ thông tin, công nghệ số.
Ngày nay, nền nông nghiệp của chúng ta là nền nông nghiệp kết nối toàn cầu. Nếu chúng ta tích hợp công nghệ số và các chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển thì sẽ tạo ra đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bởi, với nền kinh tế số, với những công cụ Big Data và với trí tuệ nhân tạo, chúng ta có nhiều dữ liệu đầu vào để phân tích thị trường, định hướng thị trường để giảm thiểu rủi ro. Và, muốn nông nghiệp giảm lệ thuộc vào biến động của thị trường thì cần phát triển mạnh công nghiệp chế biến, vì công nghiệp chế biến là tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam chứ không phải chỉ có sản phẩm tươi sống. Đó là cơ hội rất lớn để vừa nâng cao hiệu quả, vừa giảm bớt rủi ro cho người nông dân.
Công Ty Cổ Phần Petaz Cropsciences